Bắc Giang tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Việt Nam, vượt cả TP. Hà Nội

Trong nửa đầu năm 2024, nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng GRDP hai chữ số, trong đó, Bắc Giang là tỉnh dẫn đầu tăng mạnh mẽ với 14,14%.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 6,42%. Nhiều địa phương cũng ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hai chữ số.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 địa phương có GRDP tăng trưởng trên 10% bao gồm Bắc Giang, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Hà Nam, Hải Phòng, Trà Vinh và Hải Dương. GRDP của Hà Nội ước tăng 6% trong nửa đầu năm, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang trong 6 tháng đầu năm đứng đầu cả nước, đạt 14,14%. Quy mô GRDP của tỉnh đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch.

Ngành công nghiệp – xây dựng tăng mạnh 18,11%; thuế sản phẩm tăng 10,59% và nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng tiếp tục duy trì xu thế tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, còn khu vực dịch vụ biến động không nhiều.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng của Bắc Giang tăng khá mạnh so với cùng kỳ, ước tăng 26,45%, ngoài ra giá trị sản xuất công nghiệp cũng đạt trên 315.140 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ và bằng 47,3% kế hoạch.

Chưa hết, ước tính 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang thu hút được hơn 1,3 tỷ USD tổng vốn đầu tư quy đổi. Trong đó, 15 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đạt 9.506,22 tỷ đồng và 34 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 238,8 triệu USD đã được cấp mới. Từ đầu năm đến tháng 6, Bắc Giang đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 7 cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn FDI.

Các doanh nghiệp FDI cũng tiếp tục đóng góp lớn vào mức tăng trưởng và quy mô kinh tế của toàn tỉnh, chiếm tỷ trọng trên 33% trong GRDP. Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Bắc Giang cũng có 851 doanh nghiệp và 79 chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 7.615 tỷ đồng.

Kết quả tích cực này được cho là bởi tỉnh đã chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cũng như xử lý những vấn đề còn tồn đọng, phát sinh mới nhất về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu hàng hóa…; đồng thời tỉnh đã nắm bắt được thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo Sở Ngoại Vụ tỉnh Bắc Giang, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh được dự báo sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu…

Vì vậy, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, các cấp, các ngành, các địa phương cần nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, cũng như phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mức cao nhất đối với các chỉ tiêu kế hoạch phát triển năm 2024.

Theo: Người Quan Sát

Bài đăng liên quanXem tất cả

[categories_grid]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *